Hội nghị chất lượng giáo dục ĐHQG-HCM lần thứ IV
Sáng ngày 10/12/2015, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã tổ chức Hội nghị chất lượng giáo dục lần thứ IV, nhằm tổng kết công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2011-2015 và đề ra kế hoạch chiến lược giai đoạn 2016-2020. Hội nghị lần này được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế của ĐHQG-HCM.
Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có TS. Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Đặng Xuân Hoan, Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; PGS.TS. Vũ Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa Giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; TS. Lê Mỹ Phong, Trưởng phòng Kiểm định CLGDĐH&TCCN, Cục KT&KĐCLGD, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ giáo dục Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.
Về phía ĐHQG-HCM có PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS.TS Trần Chí Đáo, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng ĐBCL giáo dục; cùng các Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, lãnh đạo các trường đại học thành viên, trực thuộc, lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, lãnh đạo các Khoa, bộ môn,….
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của công tác ĐBCL trong giáo dục đại học. Với vai trò là nơi đi đầu trong đổi mới, có những đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển đất nước và thúc đẩy tiến bộ xã hội, trong những năm qua, ĐHQG-HCM luôn phấn đấu không ngừng để nâng cao chất lượng tất cả các lĩnh vực hoạt động. Trong đó, chất lượng giáo dục được xác định là chính sách ưu tiên và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư lớn từ các cấp lãnh đạo ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên.
Về lộ trình triển khai, ĐHQG-HCM chủ trương trước hết cần tiến hành đồng bộ và hiệu quả các hoạt động ĐBCL bên trong trước khi thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng. Việc kiểm định sẽ được triển khai theo hướng ưu tiên đánh giá chất lượng cấp chương trình theo các bộ tiêu chuẩn uy tín trong và ngoài nước, sau đó tiến tới đánh giá đơn vị đào tạo và tham gia xếp hạng.
Theo quan điểm đó, trong thời gian qua ĐHQG-HCM đã đạt được một số thành quả nhất định trong công tác ĐBCL như đã xây dựng được một hệ thống ĐBCL hoạt động xuyên suốt và có hiệu quả từ cấp ĐHQG-HCM đến cấp đơn vị thành viên; tổ chức trên 50 hội thảo, tập huấn về ĐBCL với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước, khu vực và thế giới; 47 cán bộ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên AUN; hơn 30 kiểm định viên cấp cơ sở giáo dục; đã xây dựng Cẩm nang ĐBCL trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân từ lãnh đạo cao nhất của ĐHQG-HCM cho tới thủ trưởng các đơn vị, các giảng viên, nhân viên, sinh viên đối với công tác ĐBCL. ĐHQG-HCM cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các tổ chức ĐBCL lớn trong khu vực và quốc tế như AUN, APQN, INQAAHE,…
Đối với công tác kiểm định chất lượng, với 21 chương trình được đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, ĐHQG-HCM đang là đơn vị dẫn đầu cả nước và đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số lượng chương trình được đánh giá (chỉ sau ĐH Gajah Mada, Indonesia). Trong đó, trường ĐH Quốc tế có 02 chương trình đạt kết quả cao, đó là Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp (5/7 điểm) và Kỹ thuật Y sinh (5.1/7 điểm). Đây là số điểm cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (hiện mới có 1 chương trình của Philippines đạt 5.5 điểm). Điểm trung bình các chương trình của ĐHQG-HCM bằng điểm trung bình chung của các chương trình trong khối AUN (4.6/7 điểm). Đặc biệt, ĐHQG-HCM cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất của cả nước có 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET (Hội đồng Kiểm định các ngành kỹ thuật và công nghệ). Tại khu vực Đông Nam Á hiện mới có 04 quốc gia có chương trình đạt chuẩn ABET đó là Singgapore, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Ngoài ra, ĐHQG-HCM đã có 36 chương trình được đánh giá ngoài nội bộ theo AUN-QA, tất cả các cơ sở giáo dục đã được đánh giá nội bộ cấp trường, dự kiến đến hết quý 2 năm 2016, cả 6 trường đại học thành viên sẽ được kiểm định chính thức. Tất cả các hoạt động trên đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của ĐHQG-HCM vì mục tiêu khẳng định vị thế tiên phong về chất lượng đào tạo, đáp ứng nhanh quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng ĐBCLGD
trình bày báo cáo tổng kết công tác ĐBCL giai đoạn 2011-2015.
Sau khi nêu bật các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng ĐBCLGD đã đưa ra các định hướng chính trong công tác ĐBCL của ĐHQG-HCM trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào các vấn đề cốt lõi bao gồm: chuyên nghiệp hóa hệ thống ĐBCL và xây dựng các nguồn lực phát triển; chuẩn hóa chương trình đào tạo và đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các Trung tâm Đảm bảo và Kiểm định chất lượng đạt chuẩn mực khu vực; và tham gia xếp hạng.
Tại Hội nghị, các báo cáo, tham luận của lãnh đạo ĐHQG-HCM, lãnh đạo các đơn vị thành viên và các chuyên gia đã làm rõ hơn các vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác ĐBCL và Kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định ĐBCL là tổng hòa của tất cả các yếu tố trong một cơ sở giáo dục, chỉ ra những thách thức lớn cần vượt qua đối với các trường đại học Việt Nam,… Trong đó đáng chú ý là ĐHQG-HCM sẽ áp dụng Mô hình quản lý chất lượng trong giáo dục đại học (HEQM) làm mô hình quản lý chất lượng trong toàn hệ thống.
Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục nỗ lực và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm cao nhất trong tất cả các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, tiếp tục tiên phong trong công tác ĐBCL, đánh giá và kiểm định nhằm đạt sự công nhận quốc tế về chất lượng. Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ kiên trì các định hướng, kế hoạch chiến lược về ĐBCL, từng bước xây dựng và lan tỏa văn hóa chất lượng trong toàn ĐHQG-HCM, từ giảng viên đến sinh viên, từ trường đại học tới doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tiến Công
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa trình bày tham luận ĐBCL-Kết quả tổng hòa của tất cả các yếu tố. Ảnh: Tấn Toàn
PGS.TS. Lê Quang Minh trình bày tham luận về ĐBCL giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tấn Toàn
PGS.TS. Phan Thanh Bình báo cáo Chiến lược ĐBCL và Mô hình quản lý chất lượng giáo dục tại ĐHQG-HCM. Ảnh: Tấn Toàn
TS. Vũ Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa chia sẻ kinh nghiệm ĐBCL tại đơn vị. Ảnh: Tấn Toàn
Hồ Nhựt Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế chia sẻ kinh nghiệm ĐBCL tại đơn vị. Ảnh: Tấn Toàn
Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ GD Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: Tấn Toàn
Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu. Ảnh: Tấn Toàn
Đặng Xuân Hoan, Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia GD và Phát triển nhân lực phát biểu. Ảnh: Tấn Toàn
Lê Mỹ Phong, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phát biểu. Ảnh: Tấn Toàn
Các Khoa nhận chứng chỉ AUN-QA. Ảnh: Tấn Toàn
Giám đốc ĐHQG-HCM tặng Bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Tấn Toàn
Các cá nhân nhận Bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM. Ảnh: Tấn Toàn
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Tấn Toàn