Hoạt động đảm bảo chất lượng tại trường Đại học Quốc Tế
Trường ĐHQT – ĐHQG HCM luôn rất coi trọng hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020 nhà trường đã nêu rõ mục tiêu “Nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận chuẩn khu vực AUN và quốc tế” và coi đó là một trong những mục tiêu quan trọng mà trường quyết tâm đạt được càng sớm càng tốt trên lộ trình phát triển của mình để khẳng định chất lượng và hội nhập nhanh chóng.
Các mục tiêu chất lượng của Trường Đại học Quốc tế
Sau khi ĐHQG-HCM trở thành thành viên của ASEAN University Network (AUN), nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QA đã được thực hiện tại ĐHQG-HCM tập trung vào 02 lĩnh vực chính: (1) Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA và (2) Xây dựng Hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các trường (ASEAN Credit Transfer System – ACTS). Hệ thống này được quản lý thông qua Ban thư ký AUN-ACTS do Đại học Universitas Indonesia tổ chức từ năm 2010. Hệ thống chuyển đổi tín chỉ ACTS tạo điều kiện để các sinh viên có thể chuyển từ trường này sang học trường khác thuộc mạng lưới AUN, hoặc thực hiện chương trình trao đổi sinh viên trong thời gian 1 học kỳ và có thể ngắn hơn. Sinh viên có thể tham gia học hỏi kinh nghiệm trong quá trình tham gia trao đổi và đạt các tín chỉ tại trường đối tác.
Trong cả hai hoạt động này, trường ĐHQT đều đóng góp tích cực và đạt nhiều thành tựu đáng kể.
- Về kiểm định chất lượng:Theo qui định của AUN, những chương trình đào tạo nào có ít nhất 03 khóa SV tốt nghiệp có thể đăng ký tham gia đánh giá chính thức. Đến nay, trường ĐHQT đã có 04 chương trình đạt chuẩn AUN-QA như sau:
- Năm 2009, chương trình “Khoa học Máy tính” của Khoa CNTT. Mức điểm đạt được là 4.6 trên 7.
- Năm 2011, chương trình “Công nghệ Sinh học” của Khoa CNSH. Mức điểm đạt được là 4.7 trên 7.
- Năm 2012, chương trình “Quản trị Kinh doanh” của Khoa QTKD. Mức điểm đạt được là 4.8 trên 7.
- Năm 2013, chương trình “Điện tử Viễn thông” của Khoa ĐTVT. Mức điểm đạt được là 4.7 trên 7 (AUN-DAAD).
- Năm 2015, chương trình “Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp” của bộ môn KTHTCN. Mức điểm đạt được là 5.0 trên 7.
- Năm 2015, chương trình “Kỹ thuật Y sinh” của bộ môn KTYS. Mức điểm đạt được là 5.1 trên 7.
Theo qui định của AUN-QA, mức điểm 4 là mức điểm đạt chuẩn chất lượng của AUN và mức điểm 7 là mức hoàn hảo. Cho đến nay chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA cao nhất khu vực là 5.4. Điểm số nêu trên cho thấy cả 06 chương trình đào tạo của Trường ĐHQT đều đạt chất lượng cao theo chuẩn AUN-QA.
Bước đột phá trong hoạt động kiểm định của nhà trường là từ ngày 01-03/04/2013 chương trình Điện Tử Viễn Thông là chương trình đầu tiên tại Việt Nam đã được Dự án hợp tác giữa Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) – gọi tắt là AUN-DAAD kiểm định sau 01 năm khảo sát và trao đổi. Dự án này được thực hiện tại nhiều nước nhằm tiến tới việc công nhận và liên thông lẫn nhau giữa các trường đại học trong khối ASEAN và Châu Âu.
- Về “Hệ thống trao đổi tín chỉ ACTS”: trong tổng số 145 môn học của ĐHQG-HCM tham gia hệ thống ACTS, trường ĐHQT đã có 58 môn học trải đều ở 02 lĩnh vực đào tạo chủ chốt của nhà trường là quản lý và kỹ thuật (36 môn học của ngành Quản trị kinh doanh và 22 môn học của ngành Điện Tử Viễn thông).
Kết quả kiểm định AUN của 04 chương trình đào tạo không chỉ khẳng định chất lượng của trường ĐHQT đối với quốc tế và trong nước mà còn tạo ra những tác động lan toả tích cực đối với những chương trình khác cũng như góp phần xây dựng văn hoá chất lượng trong toàn trường.