Quản lý chất lượng theo chuẩn tiên tiến tại trường Đại học Quốc Tế Tp.HCM
Trường ĐH Quốc tế đang áp dụng “Hệ thống quản lý chất lượng bên trong” được chuẩn hóa theo 2 mô hình: mô hình Quản Lý Chất Lượng Tổng Thể (Total Quality Management-TQM) và mô hình Hệ thống Đảm bảo chất lượng bên trong (Internal Quality Assurance-IQA) của AUN.
I. MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TỔNG THỀ
Từ năm 2007 trường ĐH Quốc tế áp dụng mô hình Quản Lý Chất Lượng Tổng Thể do PGS.TS Hồ Thanh Phong thiết kế. Mô hình được mô tả theo sơ đồ sau:
Hình 1: Mô hình Quản lý chất lượng tổng thể (Hồ Thanh Phong, 2007)
Giải thích sơ đồ:
- Nhà trường tuyên bố tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu giáo dục làm kim chỉ nam cho sự phát triển trong giai đoạn 5 năm, định hướng đến 10 năm.
- Căn cứ vào định hướng chiến lược nhà trường xây dựng bộ máy quản lý để vận hành các hoạt động trong 2 lĩnh vực đào tạo và hành chính.
- (4) (5) (6) Theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, người học (5) được xem là tâm điểm của hệ thống này. Lực lượng giảng viên (3), cơ sở vật chất (4) và chương trình đào tạo (6) giúp thực hiện tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu giáo dục của nhà trường từ đó được hình thành.
- Tương tác giữa giảng viên (3) và chương trình đào tạo (6): Giảng viên là người tham gia thiết kế, thực hiện và cải tiến chương trình đào tạo.
- Tương thích giữa cơ sở vật chất (4) và chương trình đào tạo (6): trang thiết bị và cơ sở vật chất được xây dựng và nâng cấp phục vụ nhu cầu phát triển của các chương trình đào tạo.
- Phản hồi của người học về chất lượng của giảng viên và cơ sở vật chất được giảng viên và nhà trường ghi nhận để làm cơ sở cho việc cải tiến liên tục chất lượng giáo dục.
(7) Các bộ tiêu chuẩn ABET và AACSB được chọn làm cơ sở để thiết kế các Chuẩn đầu ra và nội dung CTĐT.
(8) Đầu ra của nhà trường là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp. Về phía công nghiệp, nhằm làm cho nguồn nhân lực đào tạo từ nhà trường đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công nghiệp, các tổ chức công nghiệp sẽ cung cấp các ý kiến phản hồi về chất lượng đào tạo của nhà trường, cũng như các cơ hội giúp nhà trường gắn kết đào tạo và NCKH với thực tiễn quản lý và sản xuất công nghiệp.
(9) Chất lượng giáo dục của nhà trường bước đầu được kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn quốc gia (MOET) và khu vực (AUN). Trên cơ sở đó cải thiện liên tục để dần dần tiếp cận đến các tiêu chuẩn quốc tế như ABET, AACSB. Lộ trình tiếp cận các mục tiêu chất lượng của trường ĐHQT như sau:
Hình 2: Mục tiêu chất lượng của trường ĐHQT (Hồ Thanh Phong, 2008)
(10) Các công cụ phục vụ việc vận hành hệ thống TQM là:
- Các qui trình xử lý công việc hành chính.
- Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Hệ thống lấy ý kiến phản hồi từ các thành phần liên quan.
- Các dịch vụ hỗ trợ người học.
- Qui trình đưa ra các quyết định.
- Qui trình lưu trữ hồ sơ minh chứng.
II. HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG BÊN TRONG
Sau khi tiếp cận với Bộ tiêu chuẩn AUN qua kiểm định chương trình CNTT vào tháng 12/2009 trường ĐH Quốc tế đã từng bước qui chuẩn Hệ thống ĐBCL bên trong về đào tạo theo mô hình ĐBCL bên trong của AUN (xem hình 3):
Hình 3: Mô hình ĐBCL bên trong của AUN (Ton Vroeijenstijn, 2006)
Mô hình này bao gồm các công cụ quản lý, các công cụ đánh giá, các quy trình và công cụ ĐBCL cho những hoạt động đào tạo và NCKH tại trường ĐH Quốc tế. Cụ thể như sau:
- Công cụ quản lý hoạt động đào tạo và NCKH
- Phòng đào tạp và Khoa quản lý quá trình học tập của SV bằng bảng điểm, Sổ chủ nhiệm
- Phòng đào tạo và Khoa thống kê hàng năm tỷ lệ đậu, thôi học, chuyển tiếp ra nước ngoài
- ĐBCL thu thập, phân tích và lập Hồ sơ lưu trữ ý kiến phản hồi bằng bản cứng và file mềm. Các Khoa sử dụng ý kiến phản hồi vào cải tiến CTĐT.
- Phòng QHQT&QLKH quản lý các đề tài NCKH, cập nhật và đăng tải lên website tất cả các công bố khoa học của toàn trường.
2. Các công cụ đánh giá đào tạo, NCKH và dịch vụ hỗ trợ
- Phiếu đánh giá môn học dùng cho SV: thực hiện mỗi học kỳ ở 100% môn học.
- Phiếu góp ý dành cho GV: thực hiện hàng năm, đây là giải pháp làm việc của một số Khoa. GV phản hồi cho Khoa về cách phân công và quản lý giảng dạy của Khoa; góp ý cho CTĐT và đề cương môn học; đánh giá các hoạt động hỗ trợ cho GV của Khoa và trường, trang thiết bị, Thư viện và môi trường làm việc.
- Phiếu đánh giá CB quản lý: Ban Giám Hiệu đánh giá cán bộ quản lý, thực hiện mỗi năm 2 lần.
- Phiếu đánh giá giảng viên, nghiên cứu viên: Khoa và trường tiến hành đánh giá giảng viên dựa trên khối lượng giảng dạy, kết quả NCKH và ý kiến phản hồi của SV, thực hiện mỗi năm 2 lần.
- Phiếu đánh giá chuyên viên: chuyên viên được lãnh đạo đơn vị đánh giá dựa trên kết quả làm việc, nhiệt tình, thái độ giao tiếp và giải pháp cải tiến, thực hiện mỗi năm 2 lần.
- Việc phản hồi về các dịch vụ hỗ trợ SV, công tác đoàn hội, hoạt động xã hội được thực hiện qua email, hệ thống tin nhắn sử dụng cho SV toàn trường, các buổi họp mặt đầu năm, đầu khóa. Sinh viên và cán bộ luôn có thể hẹn gặp để trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các đơn vị hay Ban Giám Hiệu
3. Các qui trình ĐBCL
Nhà trường có các qui trình ĐBCL đang áp dụng:
- Qui trình soạn thảo và xét duyệt chuẩn đầu ra của CTĐT và của môn học.
- Qui trình cải tiến CTĐT
- Qui trình ra đề thi và chấm thi.
- Qui trình và Bộ tiêu chí tuyển dụng CB, GV.
- Qui trình kiểm tra và bảo hành, nâng cấp cơ sở vật chất.
- Qui trình ĐBCL dịch vụ SV.
4. Các công cụ ĐBCL
- Kết thúc mỗi giai đoạn 5 năm nhà trường đề ra chiến lược phát triển cho giai đoạn mới. Từ đó các đơn vị thảo luận đề ra chiến lược phát triển 5 năm của đơn vị mình. Hàng năm, các đơn vị tiến hành phân tích SWOT, báo cáo kết quả hoạt động, kế hoạch năm mới cho nhà trường.
- Tất cả CTĐT có đủ 3 khóa tốt nghiệp đều đã tham gia đánh giá ngoài nội bộ theo chuẩn AUN thực hiện bởi các đoàn đánh giá của ĐHQG-HCM.
- Công khai thông tin giáo dục trên các Website của trường và khoa. Các khoa đều có Sổ tay SV và cung cấp đầy đủ thông tin về Chương trình chi tiết cho các đối tượng có liên quan bằng nhiều phương tiện.
- Năm 2011, trường triển khai thực hiện đào tạo theo yêu cầu của hai Bộ tiêu chuẩn là ABET cho tất cả các ngành kỹ thuật công nghệ và AACSB cho ngành Kinh tế. TT.ĐBCL đã soạn thảo “Sổ tay thực hiện ĐBCL theo Bộ tiêu chuẩn ABET tại trường ĐHQT’’.
III. KẾT QUẢ VÀ PHÂN TÍCH
Nhiệm vụ của nhà trường là tạo ra môi trường học tập mang tính quốc tế cho người Việt Nam du học tại chỗ về các ngành nghề trong lĩnh vực quản lý và kỹ thuật. Bên cạnh đó là thể hiện một mô hình mới về quản trị đại học. Việc chuyển sang chế độ tự chủ tài chính đã giúp nhà trường đảm bảo được nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện tốt các hoạt động quản lý và giảng dạy. Cụ thể là đến nay, trường ĐHQT đã có 04 chương trình đạt chuẩn AUN-QA như sau: Chương trình “Khoa học máy tính” của Khoa CNTT, mức điểm đạt được là 4.6 trên 7 (năm 2009); Chương trình “Công nghệ Sinh học” của Khoa CNSH, mức điểm đạt được là 4.7 trên 7 (năm 2011); Chương trình “Quản trị kinh doanh” của Khoa QTKD, mức điểm đạt được là 4.8 trên 7 (năm 2012); Chương trình “Điện tử viễn thông” của Khoa ĐTVT, mức điểm đạt được là 4.7 trên 7 (AUN-DAAD năm 2013). Ngoài ra, tỉ lệ bài báo ISI/tiến sĩ của năm 2013 là 0,8.
Có thể thấy rằng văn hóa chất lượng của trường ĐH Quốc tế đã hình thành và đang phát triển trên sự hài hòa (Harmonisation) giữa tính dân tộc và tính quốc tế. Nhà trường luôn lấy người học là trung tâm và chất lượng giáo dục là cam kết của nhà trường đối với người học. Chiến lược 2011-2015 của nhà trường đã khẳng định rõ mục tiêu đào tạo của trường là những người học “ham hiểu biết, bản lĩnh, năng động, sáng tạo và chủ động hội nhập”. Chất lượng giáo dục hình thành từ nhận thức của người dạy và người học về mối quan hệ thầy trò. Tuy môi trường giáo dục mang tính quốc tế, hình ảnh người học mà nhà trường hướng đến hoàn toàn không phải là một “người học khách hàng” vốn xa rời với truyền thống giáo dục Việt Nam. Người học luôn được nhà trường giáo dục phải giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo và bản sắc văn hóa Việt. Chính sự thể hiện này từ phía sinh viên cùng với các chính sách ưu đãi trí thức đã tạo nên động cơ làm việc cho tất cả giảng viên và CB-VC, kể cả người nước ngoài, hình thành nên chất lượng của trường.
Một yếu tố quan trọng khác trong văn hóa chất lượng của trường ĐHQT là tính khách quan trong đánh giá CB và sự chi trả tương xứng với chất lượng công việc. Nhà trường đánh giá CBQL, GV, chuyên viên dựa trên các chỉ số KPIs (KPIs – các chỉ số chính về hoàn thành mục tiêu). Ví dụ đối với GV phần “ý kiến phản hồi của người học” chiếm 10/120 điểm và “công bố khoa học” chiếm 30/120 điểm. Các phương cách đánh giá được thảo luận thống nhất trong toàn trường và thực hiện định kỳ mỗi năm 2 lần. Điểm số đánh giá của mỗi CB được lấy làm hệ số tính lương cho CB đó cho đến lần đánh giá kế tiếp.
Bước đầu áp dụng “Hệ thống quản lý chất lượng tổng thể” được chuẩn hóa theo 2 mô hình: mô hình Quản Lý Chất Lượng Tổng Thể (Total Quality Management-TQM) và mô hình Hệ thống Đảm bảo chất lượng bên trong (Internal Quality Assurance-IQA) của AUN về đào tạo tại trường ĐHQT đã mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, mô hình này còn thiếu 1 qui chuẩn (ví dụ như ISO) cho lĩnh vực quản lý hành chính. Về lâu dài, với đà phát triển của nhà trường, điều này là hoàn toàn cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Thanh Phong, 2007, Sơ đồ Quản lý chất lượng tổng thể.
- Hồ Thanh Phong, 2008, Mục tiêu chất lượng của trường ĐHQT.
- Ton Vroeijenstijn, 2006, A Journey to uplift Quality Assurance in the ASEAN Universities.